“Phở Thìn” là tên gọi thương hiệu nổi tiếng được nhiều người dùng biết đến. Các quán phở có xuất xứ từ Hà Nội, được thành lập từ thế kỷ 20 đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách. Tuy nhiên, việc ai là chủ sở hữu nhãn hiệu này hay các tiệm phở Thìn nhượng quyền có “chính gốc” hay không vẫn chưa được đánh giá chính xác.
Xoay quanh những tranh chấp về nhãn hiệu “Phở Thìn” trong thời gian gần đây, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco đã có những chia sẻ, nhận định về sự việc, cùng những lưu ý cho cá nhân/tổ chức trong hoạt động nhượng quyền thương mại.
Bối cảnh tranh cãi nhãn hiệu “Phở Thìn”
Câu chuyện khởi phát khi có những tranh chấp giữa ông Nguyễn Trọng Thìn – “cha đẻ” thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc (thành lập năm 1979) và ông ĐHT – người đã chia sẻ với báo chí rằng mình là “Giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn”.
Cụ thể, ông ĐHT hiện đang là Giám đốc điều hành kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội. Ngày 4/11/2022, fanpage “Phở Thìn 13 Lò Đúc” có dấu tick xanh đã đăng tải một đoạn video với tiêu đề “Phở Thìn Lò Đúc – Bước chuyển giao lịch sử để vươn tầm quốc tế”. Nội dung video giới thiệu ĐHT là “truyền nhân” của ông Thìn, mang sứ mệnh đưa thương hiệu phở này tiếp cận đông đảo thực khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên ngay sau đó, ông Thìn đã có những chia sẻ với báo chí về công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội. Ông bức xúc vì ĐHT đã tự ý ghi tên ông vào cổ phần, bán nhượng quyền thương mại cho các đối tác mà không có sự đồng ý.
Ngày 27/2/2023, ông Thìn đăng tải bức tâm thư lên Facebook cá nhân, công khai kiện ĐHT về việc tự ý bán và thay đổi tên thương hiệu. “Năm 2022, sau khi tôi chấm dứt quan hệ với anh ĐHT và nộp đơn khởi kiện ra tòa, ĐHT đã tự ý thay đổi tên thương hiệu từ ‘Phở Thìn 13 Lò Đúc’ thành ‘Phở VieThin – Thương hiệu Phở Thìn 1979 13 Lò Đúc’ đăng trên VTV và bán sang Australia”.
Ngoài ra, ông cũng cho biết thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” đã đăng ký bảo hộ thành công “tại Mỹ, Pháp, Indonesia và sắp tới là Nhật Bản, Saudi Arabia” nhưng lại chưa thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Điều này khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.
Theo công bố chính thức trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ tính đến ngày 02/03/2023, tên gọi “Phở Thìn” xuất hiện trong 13 đơn đăng ký nhãn hiệu của nhiều cá nhân/tổ chức khác nhau, trong đó có cả đơn của ông Nguyễn Trọng Thìn và ông ĐHT. Tuy nhiên, đa phần các đơn đăng ký đều trong tình trạng đang giải quyết hoặc từ chối. Nhãn hiệu “Phở Thìn” duy nhất được công nhận thuộc về ông Bùi Chí Đạt (thường được biết tới là chủ sở hữu cửa hàng Phở Thìn Bờ Hồ).
Sự kiện trở nên phức tạp hơn bởi có sự xuất hiện của nhiều bên liên quan đồng thời làm nổ ra những tranh cãi xoay quanh câu chuyện bảo hộ và nhượng quyền thương hiệu.
>> Hợp đồng nhượng quyền và tất cả những điều cần lưu ý
Lưu ý về quyền bảo hộ nhãn hiệu
Theo luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Luật sư cho biết, các nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu như đáp ứng được hai điều kiện: (1) là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; (2) có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Theo luật sư Hà Huy Phong, nhãn hiệu “Phở Thìn” đã được cấp Văn bằng bảo hộ ngày 18/3/2005 đối với dịch vụ ăn uống, cụ thể là cửa hàng bán phở cho ông Bùi Chí Đạt có địa chỉ tại số 2 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Văn bản này đã hết hạn vào ngày 20/11/2013. Sau đó, ông Bùi Chí Đạt đã tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Phở Thìn vào năm 2014 và được cấp Văn bằng bảo hộ vào ngày 16/3/2017.
Như vậy, nhãn hiệu “Phở Thìn” cho dịch vụ ăn uống, cụ thể là cửa hàng bán phở hiện nay đang thuộc về ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn. Văn bản này có hiệu lực đến ngày 26/12/2024.
Còn với “Phở Thìn 13 Lò Đúc”, ông Nguyễn Trọng Thìn đã nhiều lần đăng ký tuy nhiên đều bị từ chối hoặc hồ sơ đang trong trạng thái giải quyết. Luật sư đánh giá, việc thương hiệu “Phở Thìn” đã đăng ký bảo hộ thành công trước đó sẽ khiến những người nộp đơn sau khó được chấp nhận vì dễ gây nhầm lẫn.
“Nhãn hiệu ‘Phở Thìn 13 Lò Đúc’ có dấu hiệu ‘Phở Thìn’ trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ của ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn. Đồng thời, nhóm sản phẩm/dịch vụ được đăng ký của hai nhãn hiệu cùng là dịch vụ ăn uống, cụ thể là cửa hàng bán phở. Ngoài ra, dấu hiệu ‘13 Lò Đúc’ là dấu hiệu chỉ địa điểm sản xuất nên thuộc trường hợp không có khả năng phân biệt theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT. Do đó, nhãn hiệu ‘Phở Thìn 13 Lò Đúc’ chưa đủ điều kiện để được bảo hộ vì không thể phân biệt với nhãn hiệu ‘Phở Thìn’ đã được xác lập từ trước”, luật sư Hà Huy Phong nhận định.
>> Lưu ý khi kinh doanh thương hiệu nhượng quyền F&B
“Hoạt động nhượng quyền chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ”
Ở góc độ kinh doanh, những tranh cãi xoay quay chủ sở hữu nhãn hiệu “Phở Thìn” cũng đã tác động không nhỏ đến các đối tác nhượng quyền. Theo Luật Thương mại, nhượng quyền thương mại là hoạt động mà bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó bao gồm việc khai thác nhãn hiệu.
Trước khi thực hiện nhượng quyền thương mại, chủ sở hữu (bên nhượng quyền) có nghĩa vụ đăng ký và xác lập quyền bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ ghi trong hợp đồng. Điều này giúp tránh được những tranh chấp, rủi ro về mặt pháp lý cho hoạt động kinh doanh nhượng quyền.
Ngoài ra, luật sư Hà Huy Phong cho biết, bên nhượng quyền cần đáp ứng các điều kiện pháp lý sau:
- Đã đăng ký kinh doanh
- Đã kinh doanh hệ thống nhượng quyền ít nhất một năm
- Đã đăng ký bảo hộ và được cấp văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ dự định dùng để nhượng quyền thương mại
- Đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật (đối với lĩnh vực F&B)
- Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Sở Công thương hoặc Bộ Công Thương, trừ trường hợp là nhượng quyền trong nước hoặc nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài
Theo đánh giá của luật sư, hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt nam không gặp nhiều khó khăn về các điều kiện pháp lý tuy nhiên lại chưa được kiểm soát chặt chẽ. “Nhìn chung, các điều kiện pháp lý đối với hoạt động nhượng quyền thương mại không có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để xây dựng một mô hình nhượng quyền thành công, bên nhượng quyền cần chuẩn bị kỹ càng những yếu tố kinh doanh như trình độ quản lý, kiểm soát đối với bên nhận nhượng quyền; chuẩn hóa quy trình thương hiệu; hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp. Trên thực tế, các mô hình nhượng quyền ở Việt Nam hiện nay hầu hết chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ cũng như chưa xây dựng được chiến lược phát triển thương hiệu phù hợp.”
Vì vậy để phòng tránh những rủi ro thường gặp, luật sư lưu ý người mua cần kiểm tra kỹ vấn đề pháp lý và tài chính trước khi ra quyết định mua nhượng quyền thương hiệu:
- Về mặt pháp lý: Cần kiểm tra các tài liệu như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Thông báo chấp thuận đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (lĩnh vực F&B).
- Về mặt tài chính: Bên nhận nhượng quyền phải thẩm định mô hình kinh doanh cũng như khả năng đem lại lợi nhuận để đưa ra mức định giá phù hợp.
Source: Advertising Vietnam