Khảo sát với hơn 60.000 người dùng dịch vụ giao đồ ăn và hàng hóa khu vực Đông Nam Á, cùng dữ liệu từ Grab cho thấy xu hướng giao hàng tiếp tục là dịch vụ được người dùng ưa thích.
Khảo sát có sự tham gia của 33.840 người dùng dịch vụ giao đồ ăn và 27.900 người dùng dịch vụ giao hàng hóa từ các quốc gia Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay bởi Kantar và NielsenIQ. |
Chia sẻ thêm về kết quả nghiên cứu, ông Mã Tuấn Trọng – Giám đốc Thương Mại, Grab Việt Nam – cho biết: “Dịch vụ giao hàng tiếp tục là một phần thiết yếu trong đời sống tiêu dùng của người Việt Nam. Chúng tôi đang chứng kiến sự chuyển dịch trong xu hướng đặt mua thực phẩm trực tuyến của người tiêu dùng. Sự thay đổi hành vi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên khác nhau trong lĩnh vực này”.
>> Có thể bạn quan tâm: Grab sa thải nhân sự, đóng cửa dịch vụ “bếp ăn đám mây” GrabKitchen ở Indonesia
Xu hướng giao hàng – Nhu cầu tiếp tục gia tăng
Với người dùng trong khu vực, dịch vụ giao đồ ăn và hàng hóa là một phần của lối sống hiện đại. Cụ thể, 7 trên 10 người dùng cho rằng dịch vụ giao hàng đã gắn liền với nhịp sống hàng ngày. Những người dùng được khảo sát đưa ra 3 lý do ưu tiên khi sử dụng dịch vụ giao hàng, cụ thể: Sự tiện lợi, khả năng đáp ứng nhu cầu và chuẩn bị cho những cuộc họp mặt.
Khi dịch vụ giao hàng trở thành một phần của lối sống hiện đại, người tiêu dùng không chỉ đặt hàng mà còn chi nhiều hơn cho mỗi đơn. Cụ thể, theo báo cáo, chi phí giao đồ ăn và hàng hóa trong tháng 5 cao hơn 1,3 lần so với tháng 11/2021. Tại Việt Nam, đơn hàng GrabFood có giá trị lớn nhất được ghi nhận là 1,99 triệu đồng.
Người dùng Việt sử dụng dịch vụ giao hàng nhiều nhất thường là các gia đình trẻ. Khoảng 3/4 (72%) người dùng dịch vụ giao đồ ăn ở Việt Nam là các gia đình có con nhỏ, họ đặt ít nhất 7 lần/tháng. Tương tự, dịch vụ giao hàng hóa ghi nhận 76% người dùng có con nhỏ, sử dụng trên 14 lần/tháng.
Ngoài ra, các nhà hàng tiếp tục số hóa để đáp ứng nhu cầu giao nhận thực phẩm và hàng hóa. Ở Việt Nam, 9 trên 10 nhà hàng cho biết các nền tảng giao hàng là dịch vụ không thể thiếu với hoạt động kinh doanh của họ, con số này cao hơn mức trung bình trong khu vực (8 trên 10 nhà hàng). Trên toàn khu vực, trung bình tổng doanh thu bán hàng tăng 15% so với trước khi tham gia các nền tảng giao hàng.
Những xu hướng nổi bật tạo đà thúc đẩy doanh số
1. Thực phẩm lành mạnh và các món ăn được thay bằng nguyên liệu gốc thực vật không còn là một thị trường nhỏ
Theo báo cáo của Grab, 93% người Việt chia sẻ rằng họ ăn ít nhất một bữa ăn lành mạnh cứ mỗi 2-3 ngày. 4 trên 5 người dùng đã thử các món ăn có nguyên liệu được thay thế bằng gốc thực vật trong vòng 6 tháng trở lại đây.
Người dùng trên GrabFood có xu hướng chọn đồ ăn lành mạnh cho bữa trưa nhiều hơn so với các thời điểm trong ngày.
2. Ngày càng nhiều người muốn thưởng thức món ăn ngon tại nhà hơn là ăn ngoài
Xu hướng giao hàng thực sự bùng nổ, dễ nhận thấy khi 2 trong số 5 người khảo sát thích đặt món về nhà trong các dịp tụ họp hơn là ra ngoài ăn. Trên GrabFood các đơn hàng số lượng lớn ở các khu dân cư vào dịp cuối tuần tăng gấp 3 lần từ năm 2020 đến năm 2022
3. Người dùng chi nhiều hơn khi họ có thể tuỳ chỉnh món ăn
Các cửa hàng GrabFood cho phép người dùng tuỳ chỉnh món ăn thu về doanh số lớn hơn nhờ sự gia tăng trong giá trị đơn hàng. Theo báo cáo, giá trị đơn hàng tăng 15% khi người dùng được tùy chọn món.
Và những yếu tố mà người dùng muốn được tùy chỉnh nhiều nhất là:
- Lượng đá
- Độ ngọt
- Độ cay
- Loại topping
- Loại nước sốt
4. Những món ăn vặt giúp thúc đẩy doanh thu vào ngoài giờ cao điểm
Trong một khảo sát của Grab tháng 8 năm 2022, 2 trong số 5 người dùng chia sẻ rằng họ ăn vặt ít nhất 1 lần/ngày. Từ năm 2020 đến 2022, số đơn hàng đặt vào bữa xế tăng gấp 3 lần và tăng trưởng gấp đôi số đơn hàng đồ ăn vặt trên GrabMart
5. Món ăn kèm giúp người dùng được hưởng ưu đãi giao hàng miễn phí (và giúp nhà hàng tăng doanh số!)
Người dùng có xu hướng sẽ đổi nhà hàng khác nếu không đạt đơn hàng tối thiểu để nhận khuyến mãi
Ngoài ra trong báo cáo cáo Grab, còn đề cập đến các món ăn được ưa chuộng nhất trên ứng dụng Grab, bộ công cụ hữu ích doanh nghiệp nên nắm bắt,… Chi tiết Báo cáo xu hướng giao hàng thực phẩm và hàng hóa năm 2022 xem TẠI ĐÂY
3 tính năng được Grab nâng cấp
Trong bối cảnh xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm, giao thực phẩm và hàng hóa mới hiện nay, Grab triển khai một số tính năng, sáng kiến mới nhằm cải thiện việc khám phá các quán ăn cũng như trải nghiệm của người dùng với ứng dụng.
Trước tiên, đơn vị này cải tiến tính năng đánh giá và chia sẻ trải nghiệm tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines (Manila), Việt Nam. Nhận thấy 94% người dùng đặt món dựa theo các đánh giá trực tuyến, Grab đã cải tiến trải nghiệm đánh giá, xếp hạng món ăn dễ dàng, liền mạch hơn. Người dùng có thể xem xếp hạng đối tác nhà hàng và đọc các đánh giá món ăn từ những người dùng khác trên ứng dụng.
Thứ 2, Grab triển khai tính năng lấy món tại quán tại Philippines (Manila), Việt Nam (một số nhà hàng) và dự kiến ra mắt tại các thị trường khác, khi nhận thấy 83% người dùng hiện nay sử dụng các dịch vụ trực tuyến cho phép đặt hàng mang đi. Tính năng này sẽ tăng độ hiển thị của các đối tác nhà hàng áp dụng phương thức tự lấy món. Bằng thao tác đơn giản, người dùng có thể nhận biết các nhà hàng có tính năng này trong khu vực lân cận và chuyển từ giao nhận sang tự đến nhà hàng lấy món.
Thứ 3, Grab ra mắt lựa chọn giao hàng mới “Saver” tại Singapore và đang thử nghiệm ở Indonesia, Malaysia. Lựa chọn cho phép người dùng tiết kiệm chi phí khi chấp nhận thời gian đợi giao hàng lâu hơn. Tính năng này sẽ cung cấp các tùy chọn giao hàng với chi phí tiết kiệm hơn cho người dùng.
>> Cùng điểm lại những chiến dịch Marketing của GrabFood
Người dùng cũng có thể đăng ký gói GrabUnlimited với các mã ưu đãi giao hàng áp dụng cho dịch vụ Grab. Hiện nay, 1 trên 3 người dùng dịch vụ giao món ăn đã đăng ký GrabUnlimited (khảo sát tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore). Họ có xu hướng đặt thường xuyên hơn 44% và chi nhiều hơn 18% so với nhóm người dùng không đăng ký.
Grab cam kết hỗ trợ đối tác nhà hàng, cửa hàng và các thương hiệu phát triển thông qua nền tảng của mình. “Siêu ứng dụng” GrabMerchant cung cấp loạt công cụ tự phục vụ, giúp đối tác nhà hàng tối ưu thực đơn, tận dụng các thông tin để cải tiến doanh số và phương thức bán hàng, tạo ra chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhằm làm nên dấu ấn.
Nguồn: Grab, Zingnews