Thực trạng tồn tại khá rõ rệt tại thị trường kinh doanh F&B Việt Nam chính là việc nhiều ông chủ, bà chủ sẵn sàng kinh doanh tùy hứng, không có lộ trình, kịch bản rõ ràng. Kết quả là tiền lần lượt đội mũ nón ra đi, không nắm kịp xu hướng thị trường đành rơi vào tình trạng kinh doanh duy trì. Phần lớn thời gian đầu, chủ quán tập trung bắt tay là luôn, nếu có sai sót, hoạt động không ổn thì quay lại điều chỉnh lại.
Thiếu kịch bản dài hạn
Chỉ tập trung đầu tư cho ngắn hạn
Điều thiếu sót chính là đường đi dài hạn cho những mô hình đã và đang triển khai. Thay vì nghĩ là xu hướng thị trường thời gian này ra sao, họ dành thời gian nghĩ đến việc ngày mai bán gì, làm thế nào để lãi nhiều, thu hồi vốn nhanh chóng nhất. Sai lầm kinh điển của những quán ăn ở giai đoạn một năm đầu tiên là thay vì làm cho khách hàng biết đến mình nhiều hơn thì họ lại luôn đau đáu làm thế nào để giá thành cao, lãi nhiều hơn.
Cùng là lãi 100 nghìn nhưng nếu mỗi khách bạn chỉ lãi 1 nghìn bạn sẽ có 100 khách, so với việc mỗi khách lãi 10 nghìn quán của bạn chỉ có vỏn vẹn 10 khách. Điều quan trọng hơn là khách hàng sẽ sẵn sàng trở thành kênh marketing 0 đồng cho quán của bạn nếu họ thực sự hài lòng với những gì bạn cung cấp.
Biết được vị trí của mình đang ở đâu
Thị trường từng chứng kiến rất nhiều lần “sao đổi ngôi” khi xuất phát điểm từ những cửa hàng bánh mì đơn lẻ chỉ trong 1, 2 năm phát triển được chuỗi cửa hàng, mặt bằng mỗi quán chưa đến 15m2, nhân viên 2 người/ca, đối tượng mục tiêu là học sinh, sinh viên, những người có thu nhập trung bình, giá vì thể cũng vô cùng hợp lý. Trong khi những mô hình lớn, đặt đối tượng khách hàng mục tiêu của mình ở phân khúc cao hơn, chi tiêu cho đơn hàng cao hơn nhưng thực tế, việc xác định nhóm đối tượng về hành vi người tiêu dùng Việt chưa thực sự phù hợp, hoặc đơn giản nếu với mức giá cao hơn hẳn, họ muốn một hương vị thực sự nổi bật.
Bản sao của những mô hình thành công
Sao chép sự thành công
Nếu là chuỗi nhượng quyền thì câu chuyện chẳng có gì đáng nói, chỉ tiếc là những mô hình kinh doanh F&B nhái, “na ná” những mô hình đã có tiếng tăm trên thị trường dựa vào sự nhầm tưởng của khách hàng để kiếm lợi. Cái lợi trước mắt nhưng cái hại sau này. Thương hiệu, chất lượng, dịch vụ và cơ sở vật chất, bạn có thể sao chép 100% về bề ngoài nhưng chẳng thể sao chép 100% sự thành công của họ.
Kinh doanh F&B là một cuộc đua về chất lượng, giá cả, dịch vụ và thước đo duy nhất của thành công không gì khác ngoài cảm nhận của khách hàng. Minh chứng rõ rệt những mô hình nhái những thương hiệu nổi tiếng số phận giờ ra sao? Thực khách ngày càng có nhận định riêng của mình, khi bạn hoàn toàn không phải sự lựa chọn duy nhất.
Quan điểm về sự độc đáo
Hãy tạo dựng cho mình dấu ấn riêng, bản sắc riêng. Tại sao người người kinh doanh trà sữa thành công, bạn cũng phải kinh doanh trà sữa? Những thức uống có lợi cho sức khỏe, nước ép hay sữa đậu vẫn là thị trường tiềm năng chưa được khai thác rộng chúng ta sao không thử. Nếu việc sáng tạo ra một công thức mới quá khó, bạn có thể bắt đầu từ kinh doanh từ thế mạnh của bạn, những món ăn bạn tự tin, ngon lành nhất, với công thức độc đáo do bạn tự nghĩ ra. Nhiều người lựa chọn việc mở những thương hiệu gần giống với hi vọng làm giảm xác suất thất bại nhưng quan niệm đó hoàn toàn sai lầm.
khái niệm này không nhất thiết phải là một sản phẩm chưa từng có ai nghĩ ra, chưa có ai làm được. Sự độc đáo cũng có thể hiện diện trong bao bì, trong cách mà nhân viên quán bạn chăm sóc khách hàng, hoặc trong chính cách bạn marketing cho sản phẩm đó. Những sản phẩm theo xu hướng, thị hiếu người dùng, khiến thực khách hứng thú, hiếu kỳ cũng là một trong những cách để hình thành nên sự độc đáo.