Các thương hiệu đồ uống nói riêng và toàn ngành F&B nói chung đang lệ thuộc vào các ứng dụng. Thế nhưng, việc các ứng dụng giao đồ ăn đốt tiền khuyến mại chỉ đem lại giá trị ngắn hạn. Đây chính là lý do The Coffee House nói không với các ứng dụng giao giao đồ ăn mà tự vận hành đội ngũ giao hàng riêng.
Sức mạnh khổng lồ từ các đơn vị giao hàng
Với sức mạnh của nguồn vốn, GrabFood đã nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 trong trận chiến giao đồ ăn với hàng trăm đơn hàng mỗi ngày. Giờ đây giới văn phòng dễ dàng gọi từ đồ ăn trưa đến trà sữa, cà phê với giá luôn luôn rẻ hơn tự đi mua.
Thế nhưng, có một thương hiệu tuyệt nhiên nói không với các ứng dụng gọi đồ ăn. Hãy thử tìm kiếm, từ GrabFood, Now đến Baemin, hết thảy đều không có sự xuất hiện của thương hiệu The Coffee House.
Hàng loạt đối thủ của họ, từ Highlands Coffee, Phúc Long, Cộng Cà phê cho đến những chuỗi mới hơn như Cheese Coffee đều bắt tay với các ứng dụng giao đồ ăn để tận dụng lượng tiền rất lớn được tung ra khuyến mãi cho người tiêu dùng.
Hiện Phúc Long không hiển thị trên GrabFood tại khu vực Hà Nội, nhưng người tiêu dùng ở TPHCM vẫn có thể order được Phúc Long trên nền tảng này. Có những thời điểm ví Moca trên nền tảng Grab khuyến mãi đến 50% khi order Phúc Long trên GrabFood.
Việc các ứng dụng giao đồ ăn đốt tiền khuyến mãi chỉ đem lại giá trị ngắn hạn cho các thương hiệu đồ ăn thức uống. Các thương hiệu rồi sẽ lệ thuộc vào các ứng dụng.
“The Coffee House hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn tự sát”, ông Đinh Anh Huân – Chủ tịch HĐQT Seedcom kiêm Chủ tịch HĐQT The Coffee House lý giải.
Đơn cử, các thương hiệu trà sữa như Toocha, TocoToco hầu như luôn giảm 40 – 50% lần lượt từ ứng dụng này qua ứng dụng khác.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu giả sử, chỉ giả sử thôi nhé, Hightlands Coffee trích hoa hồng cao hơn Phúc Long và GrabFood ngưng khuyến mãi cho Phúc Long, dùng toàn bộ dữ liệu khách hàng từng đặt Phúc Long để quảng bá về Highlands?
Hàng ngàn nhà hàng ở Ấn Độ gần đây đã đồng loạt ký tên vào chiến dịch #Logout để kêu gọi tẩy chay ứng dụng giao đồ ăn Zomato ở nước này vì chi phí tham gia cao, mất thêm 20% hoa hồng bán hàng và phải tiếp những vị khách thiếu lịch sự. “Zomato là ứng dụng tuyệt vời với khách hàng nhưng vô nghĩa đối với chủ nhà hàng” – một chủ nhà hàng ở Ấn Độ nhận định.
Trong mô hình kinh tế chia sẻ, những cái tên như Grab hay Zomato chỉ là trung gian, họ cần phải hài hoà cả 2 đối tượng.
The Coffee House nói không với các ứng dụng giao đồ ăn
Để tránh bị rơi vào cái bẫy giảm giá, The Coffee House đã nói không với các ứng dụng giao đồ ăn và tự vận hành đội ngũ giao hàng riêng từ nhân viên tổng đài đến nhân viên giao nhận.
Ứng dụng giao đồ ăn duy nhất được hợp tác cùng The Coffee House là Lala bởi một lý do đơn giản rằng đây cũng là một sản phẩm của Seedcom. Ngoài lực lượng giao hàng nội bộ chỉ vài chục người thì đơn của The Coffee House còn được giao bởi AhaMove cũng là một dịch vụ trong nhà của Seedcom.
Trên thực tế, The Coffee House hiện đang được xuất hiện trên ứng dụng Now nhưng chỉ tại các nơi có lưu lượng đơn hàng ít như Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đứng ngoài vòng xoáy để tự bảo vệ mình, đó là phương châm mà các ông chủ của Seedcom không muốn The Coffee House trở thành nạn nhân của trận chiến giao đồ ăn.
(Nguồn: Cafebiz)