Trao đổi với các phóng viên về thông tin Phúc Long liên tục đóng cửa hai chi nhánh tại Sài Gòn, đại diện của hãng cho biết, việc mở rộng quy mô từ Bắc đến Nam vẫn đang được hãng này tiếp tục phát triển, tuy nhiên để cân nhắc với xu hướng thị trường và đảm bảo khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện nhất, hãng này cần cân nhắc là lựa chọn thêm các địa điểm phù hợp. Hãng này được đánh giá là một trong 4 chuỗi cafe đạt ngưỡng doanh thu lớn nhất tại Việt Nam khi ghi nhận tổng doanh thu 2018 chạm ngưỡng 473 tỷ.
Đổi 2 cửa hàng ở Hồ Chí Minh để lấy thêm 2 cửa hàng ở Hà Nội
Minh chứng rõ rệt nhất cho việc cạnh tranh đến từng mét vuông mặt bằng của thị trường kinh doanh F&B có lẽ là việc Phúc Long tuyên bố đóng cửa liên tiếp 2 chi nhánh có địa điểm đắc địa bậc nhất Sài thành. Đứng bên ngoài cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp đang nỗ lực hết mình để có thể chiếm trọn niềm tin của khách hàng. Một trong những vấn đề kiên quyết là giá trị mặt bằng.
Sở dĩ, lý do Phúc Long quyết định dứt áo ra đi do đối tác cung cấp mặt bằng đẩy giá cao khi con số lên đến 25.000 USD (tương đương 500 triệu đồng/tháng). Đặc biệt là những mặt bằng đắc địa, mức giá trên thường dao động từ 10.000 – 20.000 USD tại các vị trí trên các tuyến phố trung tâm như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phan Xích Long.
Mặt bằng là một, giá thành là hai
Lý giải cho những mức giá được đội lên hơn gấp rưỡi rồi gấp đôi nêu trên là do việc thị trường F&B đang đạt ngưỡng phát triển đỉnh điểm với sự tham gia của hơn 100 thương hiệu trà sữa lớn nhỏ. Cùng với đó là thói quen tiêu dùng của những người trẻ đang tác động một phần không nhỏ đến thói quen thị trường, họ sử dụng, tiêu thụ trà sữa nhiều hơn.
Thời điểm 5 năm trở về trước khi mặt bằng tại ngã 6 Phù Đổng được trả giá 14.000 USD/tháng thì đến nay Soya Garden đẩy giá lên gấp đôi con số kể trên, chính thức mời Phúc Long ra ngoài. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc Phúc Long phải nói lời chia tay với chi nhánh mang lại không ít lợi nhuận cho chính mình.
Bán được nhiều mà lãi chẳng được bao nhiêu
Với 48 cửa hàng trên toàn quốc, mỗi khi Phúc Long xác nhận mở thêm một cửa hàng mới, người ta lại kháo nhau, xếp hàng để có thể trực tiếp mua một ly trà Phúc Long. Nếu xét về độ nổi tiếng, thơm ngon của sản phẩm, cách làm của Phúc Long rất khác so với những thương hiệu hiện tại trên thị trường nhưng để xét về việc những hoạt động kinh doanh của hãng đã thực sự mang lại hiệu quả hay không thì câu trả lời thực sự là chưa.
Không phủ nhận tốc độ tăng trưởng của Phúc Long với doanh thu 2018 tăng gần 40% so với năm 2017, mở rộng được cửa hàng thứ 48 trên toàn quốc. Tuy nhiên với một thị trường kinh doanh đồ uống khốc liệt như của Việt Nam, nỗ lực thôi là chưa đủ.
Đại dương đỏ có quá nhiều “cá mập”
Sự nhảy vọt của 2 ông lớn là Highlands và The Coffee House cùng người bạn ngoại quốc Starbucks chiếm lĩnh thị trường luôn khiến cho hãng này kinh doanh ở mức cầm chừng. Doanh thu thì có, bán được nhiều mà lãi chẳng được bao nhiêu. Điều này cũng cần nhìn nhận việc chi phí vận hành đang khá cồng kềnh, ngốn quá nhiều vào lãi thu được. Đến đây thì không còn quá ngạc nhiên khi hãng này buộc phải từ bỏ những vị trí “đất vàng” tại TP. Hồ Chí Minh để có những nước đi mới trong việc kinh doanh của mình.
Đương nhiên, với dự tính mở rộng chi nhánh trải dài khắp Việt Nam và khi khách hàng còn chờ đợi, còn sẵn sàng xếp hàng để được thưởng thức Phúc Long, hãng này vẫn còn cơ hội, thị trường vẫn còn tiềm năng. Cũng rất có thể, hãng này đang suy tính những bước đi mới, cân nhắc đến hoạt động thúc đẩy nhượng quyền để có thể nhân rộng mô hình một cách nhanh chóng như Highlands.