Khởi nghiệp là một hành trình không biết mệt mỏi của sự đón nhận cơ hội, tập trung nguồn lực, chấp nhận thách thức, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, nhiều người khởi nghiệp thành công ở Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn với những thành tựu vang dội mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ doanh nhân trẻ. Học hỏi từ câu chuyện của họ, bạn sẽ hiểu thêm về cách vượt qua thách thức, kiên trì theo đuổi ước mơ và xây dựng doanh nghiệp bền vững trong một thị trường cạnh tranh. Hãy cùng MISA CukCuk tìm hiểu về những người khởi nghiệp thành công ở Việt Nam.
1. Top 7 câu chuyện khởi nghiệp thành công
“Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó”. Mỗi câu chuyện đều bắt đầu từ các điểm khác nhau, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Sau đây những người khởi nghiệp thành công ở Việt Nam đáng để chúng ta học hỏi.
1.1. Ông Phạm Nhật Vượng – Tập đoàn VinGroup
Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, là người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch, y tế, giáo dục và ô tô.
Ông bắt đầu khởi nghiệp từ những năm ngồi trên ghế giảng đường, nhưng do thị trường thay đổi và thiếu kinh nghiệm nên bị phá sản.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1993, khi đang gánh trên vai số nợ 40.000 USD, ông vẫn quyết định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với việc mở nhà hàng tại Ukraine và sáng lập thương hiệu mì Mivina. Năm 2004, thương hiệu mì ăn liền Mivina đã chiếm 97% thị phần ở Ukraine. Thành công này đã tạo nền tảng tài chính vững chắc cho ông Vượng để mở rộng kinh doanh.
Sau hơn 15 năm hoạt động, ông đã bán lại thương hiệu và quay trở về Việt Nam, sáng lập tập đoàn VinGroup, tiếp tục phát triển và đưa tập đoàn trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước trong rất nhiều lĩnh vực, với các thương hiệu nổi tiếng như: Vincom, Vinpearl, VinFast, VinSmart, VinSchool, VinUni, VinBus,….
Thành công của ông Vượng đến từ tầm nhìn chiến lược và khả năng chuyển đổi Vingroup từ một công ty bất động sản thành một tập đoàn toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của ông, VinFast đã vươn ra thế giới với dòng ô tô điện, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
1.2. “Vua cà phê Việt Nam” Đặng Lê Nguyên Vũ – Tập đoàn Trung Nguyên Legend
Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971, là người sáng lập Trung Nguyên Legend, được biết đến với biệt danh “vua cà phê” Việt Nam. Ông sinh ra trong 1 gia đình nông dân nghèo. Cuộc sống cơ cực đã khiến ông bỏ dở con đường học Y khoa và rồi bắt đầu khởi nghiệp với ngành cà phê tại mảnh đất nơi ông sinh sống.
Bắt đầu từ một lò rang cà phê nhỏ tại Buôn Ma Thuột, sau nhiều lần thất bại tại quê nhà, ông đã mở cửa hàng cà phê đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh vào năm 1998. Trong vòng 10 năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam, đưa cà phê Trung Nguyên vươn tầm thế giới.
Tiếp nối thành công, ông đã ra mắt sản phẩm cà phê hòa tan G7, được xuất khẩu tới 43 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc,….
Đặng Lê Nguyên Vũ với triết lý “Sáng tạo giá trị khác biệt”, ông Vũ đã truyền cảm hứng cho các doanh nhân trẻ về tinh thần khởi nghiệp và khát vọng vươn tầm quốc tế. Ngoài ra, ông còn là người tiên phong trong việc áp dụng mô hình nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam
>> Có thể bạn quan tâm: Giá nhượng quyền cafe của TOP 10 thương hiệu đáng để đầu tư
1.3. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Sáng lập Vietjet Air
Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, là người sáng lập và hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của Vietjet Air – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam.
Bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh từ năm 2 đại học với các mặt hàng điện tử và đã kiếm được 1 triệu USD ở tuổi 21. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Thảo cùng chồng bắt đầu sự nghiệp với việc kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu tại Nga. Và sau đó về nước và thành lập nên Vietjet Air.
Vietjet Air dưới sự lãnh đạo của bà Thảo đã mang đến sự thay đổi lớn cho thị trường hàng không Việt Nam, với mô hình giá rẻ nhưng chất lượng dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng triệu người dân.
Nguyễn Thị Phương Thảo không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba mà còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh. Năm 2017, bà được tạp chí Forbes vinh danh là nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
1.4. Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Tập đoàn Masan
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963, là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Masan – một trong những tập đoàn hàng đầu về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam.
Ông bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 với một công ty nhỏ chuyên bán mì gói cho người Việt tại Nga, sau đó mở rộng sang đậu nành, cá và tương ớt.
Năm 2002, ông trở về Việt Nam và thành lập Masan với sản phẩm đầu tiên là nước tương Chin-su và nhanh chóng mở rộng, trở thành một trong những công ty lớn nhất ngành FMCG với các thương hiệu nổi tiếng như: Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, MEATDeli, …
Không dừng lại ở khát vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước, năm 2015 Masan đã tiến vào thị trường Thái Lan với sản phẩm nước mắm “Chin-su Yod Thong” và tuyên bố sẽ mở rộng ra các nước ASEAN khác.
Ông Nguyễn Đăng Quang được xem là người tiên phong trong việc phát triển thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Với khả năng lãnh đạo sắc bén và tầm nhìn chiến lược, ông trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho các doanh nhân trẻ đầy tham vọng tại Việt Nam.
1.5. Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco Group
Ông Trần Bá Dương sinh năm 1961, quê ở Huế. Ông là chủ tịch của Thaco Group – tập đoàn hàng đầu trong ngành sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Ông Dương bắt đầu sự nghiệp với vai trò kỹ sư cơ khí, và sau đó nhận thấy tiềm năng của ngành ô tô và quyết định khởi nghiệp với Thaco vào năm 1997. Dưới sự lãnh đạo của ông, Thaco đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, với các dòng sản phẩm từ xe tải, xe buýt đến xe du lịch.
Ngoài ra, Thaco còn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như bất động sản, nông nghiệp và thương mại. Thành công của Trần Bá Dương đến từ khả năng quản lý hiệu quả và tầm nhìn phát triển bền vững, giúp Thaco giữ vững vị thế trong ngành công nghiệp ô tô đầy cạnh tranh
1.6. Ông David Thái – Sáng lập Highlands Coffee
David Thái sinh năm 1972 tại Việt Nam. Ông là người sáng lập và là cựu chủ tịch của Highlands Coffee – một trong những chuỗi thương hiệu cà phê nổi tiếng ở Việt nam
Sau khi lớn lên và học tập tại Mỹ, ông Thái quay trở lại Việt Nam vào cuối những năm 1990 với mục tiêu xây dựng một thương hiệu cà phê hiện đại nhưng đậm chất văn hóa Việt. Highlands Coffee đã nhanh chóng phát triển và trở thành một trong những chuỗi cà phê được ưa chuộng nhất trong nước, với hàng trăm cửa hàng trên khắp cả nước
David Thái đã thành công trong việc kết hợp mô hình kinh doanh cà phê hiện đại với hương vị đặc trưng của cà phê Việt Nam, tạo nên một thương hiệu độc đáo và truyền cảm hứng cho giới trẻ về tinh thần khởi nghiệp.
Tuy đã bán cổ phần cho Highlands Coffee cho tập đoàn Jollibee Phillipines vào năm 2011, nhưng không thể phủ nhận sự thành công của Highlands Coffee hiện tại là nhờ những chiến lược kinh doanh của ông David Thái.
1.7. Ông Nguyễn Hải Ninh – Sáng lập The Coffee House
Nguyễn Hải Ninh, sinh năm 1987 tại Đắk Lắk, là người sáng lập và cựu CEO của The Coffee House, chuỗi cà phê nổi tiếng tại Việt Nam.
Trước khi tạo dựng nên thương hiệu The Coffee House, ông Ninh từng khởi nghiệp với Urban Station – một chuỗi cà phê dành cho giới trẻ. Cũng như bao người khác, ông cũng rơi vào tình trạng thua lỗ. Và với niềm đam mê và sự quyết tâm, ông quyết định sáng lập The Coffee House vào năm 2014.
Hiện tại The Coffee House đã có 152 cửa hàng trên toàn quốc, và trở thành một trong những thương hiệu cafe top đầu tại Việt Nam.
Sau 6 năm gắn bó, ông đã rời The Coffee House để bắt đầu hành trình mới. Với niềm đam mê cà phê, trạm dừng chân mới của ông Ninh vẫn là mô hình này với tên gọi Every Half nhưng đi lên từ từ và chắc chắn hơn.
Đây là một tấm gương lớn cho những người muốn khởi nghiệp kinh doanh cà phê. Câu chuyện của ông không chỉ khơi dậy động lực mà còn mang đến nhiều bài học sâu sắc về cách xây dựng thương hiệu và kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Nếu bạn cũng đang có dự định kinh doanh nhượng quyền nhà hàng, quán ăn, quán cafe… đừng bỏ lỡ cẩm nang “BÍ QUYẾT XÂY DỰNG “ĐẾ CHẾ” NHÀ HÀNG NHƯỢNG QUYỀN”
2. Bài học từ những câu chuyện khởi nghiệp
Câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng. Tất cả đều đến từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Câu chuyện của những người khởi nghiệp thành công ở Việt Nam đã để lại những bài học sâu sắc cho những ai theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp.
2.1. Biến ý tưởng thành hiện thực
Mỗi người khi khởi nghiệp đều bắt đầu từ một ý tưởng, nhưng không phải ai cũng biết cách biến nó thành hiện thực.
Thành công không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà dám hành động là yếu tố quan trọng giúp việc khởi nghiệp vượt qua giai đoạn đầy thử thách.
Từ ý tưởng, người khởi nghiệp sẽ phải đi khảo sát thị trường, thu thập phản hồi từ khách hàng để từ đó điều chỉnh ý tưởng và tạo ra một sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất từ những người khởi nghiệp thành công.
2.2. Kiên trì và tinh thần không bỏ cuộc
Mọi hành trình khởi nghiệp đều có những khó khăn và thất bại. Điều quan trọng là kiên trì, không bỏ cuộc trước những thử thách.
Nên nhớ “Thất bại là mẹ thành công”. Tinh thần kiên trì là bài học quý giá cho những người đang hoặc sẽ bước chân vào con đường khởi nghiệp.
2.3. Chấp nhận rủi ro
Trong kinh doanh, rủi ro là điều không thể tránh khỏi, và người thành công là phải luôn biết cách đối diện và quản lý chúng.
Mỗi quyết định đều có thể mang lại cơ hội hoặc thách thức. Khi khởi nghiệp sẽ cần phải lý trí để đưa ra những đánh giá hợp lý và cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với rủi ro một cách thông minh.
2.4. Khả năng thích nghi và thay đổi
Thị trường kinh doanh thời 4.0 luôn biến đổi theo thời đại, những người khởi nghiệp cần phải linh hoạt thay đổi bản thân cũng như là doanh nghiệp để có thể thích nghi và phát triển mạnh mẽ trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
3. Các thử thách mà người khởi nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt
Khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam không phải là một con đường dễ dàng. Những người khởi nghiệp thường hay đối mặt với những thử thách gì?
3.1. Thị trường cạnh tranh khốc liệt
Hiện nay, thị trường Việt Nam liên tục ra đời các doanh nghiệp mới. Việc này khiến cho việc tạo dựng chỗ đứng trong một môi trường đầy rẫy đối thủ cạnh tranh nhỏ lẻ và các đối thủ lớn là một thách thức lớn cho các nhà khởi nghiệp mới.
Để có thể tồn tại và phát triển, trước khi khởi nghiệp cần có một chiến lược cụ thể và có sự linh hoạt để thích nghi với biến động thị trường.
3.2. Vấn đề vốn và tài chính
Khó khăn thứ 2 mà người khởi nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt là vấn đề tài chính.
Việc huy động vốn từ ngân hàng không dễ dàng vì bạn chưa có nhiều danh tiếng và lợi nhuận ổn định. Còn việc vay vốn từ người thân cũng rất không khả quan vì rất khó để tin tưởng khi vay một số tiền lớn và chưa chắc người thân bạn có đủ khả năng tài chính để cho vay.
Vậy nên, khi khởi nghiệp cần “biết mình là ai”, bắt đầu từ quy mô phù hợp với tài chính và khả năng của bản thân để đảm bảo vận hành doanh nghiệp trơn tru.
3.3. Quản lý nguồn nhân lực và quy trình vận hành
Khi khởi nghiệp kinh doanh, việc vận hành doanh nghiệp và quản lý nguồn nhân lực là một thách thức lớn. Việc thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một đội ngũ làm việc gắn kết và hiệu quả là điều cần thiết nhưng khó khăn.
Bên cạnh đó, việc quản lý quy trình vận hành một cách hiệu quả, từ sản xuất đến phân phối và dịch vụ khách hàng đòi hỏi kỹ năng tốt. Ngoài ra, bạn có thể ứng dụng các giải pháp quản lý bán hàng vào quá trình kinh doanh. Các giải pháp này giúp tự động hóa nhiều công việc, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian. Cung cấp các công cụ phân tích và dự báo doanh thu. Từ đó, dễ dàng có những quyết định kinh doanh chính xác, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
4. Tạm kết
Những người khởi nghiệp thành công ở Việt Nam không chỉ là những tấm gương sáng về sự nỗ lực và kiên trì mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ khởi nghiệp. Họ đã chứng minh răng, với tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo và lòng đam mê, bất kỳ ai cũng có thể vượt qua khó khăn để đạt được thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ cũng là lời khẳng định, khởi nghiệp không chỉ là con đường dẫn đến thành công cá nhân mà còn góp phần xây dựng một xã hội thịnh vượng và bền vững. Hy vọng đây sẽ là nguồn cảm hứng bất tận gửi đến bạn – người đang ấp ủ dự định hành trình khởi nghiệp của riêng mình.