Cơ hội nào cho BAEMIN và Loship khi mô hình Foodtech đã qua thời kỳ đỉnh cao?

Cùng xếp dưới bảng xếp hạng nhưng cơ hội mở ra cho BAEMIN và Loship đang có phần khác nhau, đặc biệt khi khi mô hình foodtech đã qua thời kỳ đỉnh cao.

Tình hình chung của BEAMIN và Loship trong thời điểm hiện tại

Cuối tháng 11 vừa qua, ứng dụng đặt đồ ăn Hàn Quốc BAEMIN công bố hợp tác phát hành thẻ tín dụng cùng ngân hàng Shinhan. Phát biểu tại buổi hợp tác, ông Jinwoo Song, Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam, cho biết công ty luôn hướng tới việc xây dựng những mối quan hệ hợp tác ý nghĩa và tận dụng công nghệ tài chính hiện đại để mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn trong việc thanh toán và quản lý tài chính cá nhân.

Hình thức kết hợp – một bên tăng được người sử dụng dịch vụ ngân hàng, một bên tăng thêm trải nghiệm người dùng – là thường thấy ở các công ty công nghệ và tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong thời gian qua. BAEMIN đang cố gắng tăng cường các hoạt động như vậy để mở rộng thị phần ở thị trường Việt Nam, vì theo thống kê năm 2021 của Statista, đơn vị này nắm giữ 15% thị phần và bị bỏ xa bởi 2 đối thủ GrabFood và ShopeeFood (trước đây là Now).

>> Các chiến dịch marketing của Baemin: làm “bạn thân” của khách hàng

Mô hình Foodtech đã qua thời kỳ đỉnh cao sau khi hưởng lợi nhờ dòng vốn rẻ thời gian qua cùng dịch bệnh COVID-19 hạn chế đi lại, khiến nhu cầu đặt đồ ăn trực tuyến tăng đột biến. Theo đó, báo cáo “Nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á 2022” do Google, Temasek và Bain & Company dự đoán trong giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR của các công ty này chỉ đạt 13%, giảm hơn 70% so với giai đoạn trước đó.

Cơ hội của BAEMIN và Loship

Trong khi đó, BAEMIN chỉ có dịch vụ giao đồ ăn, nên “sức đề kháng” trong mùa đông hiện nay không tốt bằng các đối thủ trong khi chính các công ty còn phải cắt giảm nhân sự để tồn tại. Vì thế, các động thái tiếp theo của BAEMIN ở thị trường Việt Nam là điều đang được giới quan sát trông chờ.

Cùng với BAEMIN, một doanh nghiệp khác của Việt Nam là Loship (đã huy động được 12 triệu USD năm 2021) cũng đang được nhắc tên. Loship thậm chí còn không có mặt trong bảng xếp hạng bộ tứ thị phần ở Việt Nam.

Để tiếp tục tồn tại, báo cáo “Nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á 2022” gợi ý các foodtech phải mở rộng sang các tỉnh, thành lớn, vì tỷ lệ người sử dụng ứng dụng này ở các thành phố lớn đã đạt 85%. Hoặc là vẫn tiếp tục bám trụ ở các thành phố lớn nhưng tăng thu nhập trên mỗi đơn hàng.

Mở rộng trường có phải là cơ hội mở rộng thị phần cho BAEMIN và Loship?

Phương án thứ nhất đòi hỏi các chương trình phát triển thị trường mạnh mẽ để thu hút người sử dụng ở các tỉnh, thành vì tỷ lệ người sử dụng hằng tháng ở khu vực này chỉ 18%, thấp hơn rất nhiều so với nhóm thành thị. Nhưng đối với BAEMIN, phương án này cũng không dễ triển khai do vấn đề rắc rối ở công ty mẹ.

Foodtech đã qua thời kỳ đỉnh cao

Theo The Korea Herald, Woowa Brothers – công ty chủ quản ứng dụng BAEMIN – vừa công bố doanh thu đạt 2.000 tỷ won năm 2021 nhờ dịch bệnh nhưng khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh đã tăng gần 7 lần lên 75,7 tỷ won.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài tranh cãi với công đoàn giao hàng và điều kiện làm việc cho tài xế, công ty đã quyết định thuê nhân viên giao hàng toàn thời gian dẫn đến chi phí tăng do các khoản bảo hiểm. Chính vì thế, việc mở rộng ở thị trường Việt Nam, trong khi thị trường chính là Hàn Quốc vẫn còn nhiều việc cần xử lý là một quyết định không dễ cho BAEMIN lúc này.

>> Phân tích chiến lược marketing của Baemin tại thị trường Việt Nam

Vậy nếu tăng thu nhập trên mỗi đơn?

Phương án thứ hai là tăng thu nhập trên mỗi đơn hàng bằng cách tăng tỷ lệ chiết khấu trên mỗi đơn hàng với chủ quán. Hiện nay, theo khảo sát của báo Nhịp cầu Đầu tư, các công ty Foodtech đang lấy 25% phí chiết khấu, như vậy để có lợi nhuận, chủ quán sẽ tăng giá khi bán trực tuyến để bù vào phần trả cho các Foodtech.

Trong tình hình hiện nay, đây là quyết định nan giải vì người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, họ sẽ chọn tự đi mua để có giá tốt hơn. Bản thân thị trường chính của BAEMIN là Hàn Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng sụt giảm sau dịch và “tắt” dòng vốn giá rẻ. Khi khuyến mãi không còn và vật giá leo thang, người dùng hoạt động hằng tháng của BAEMIN đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Korea JoongAng Daily.

cơ hội cho baemin và loship

Một cách khác để tăng thu nhập trên mỗi đơn hàng là giao các nguyên vật liệu cho chủ quán ăn, giá trị đơn hàng cao hơn và lợi thế về kinh tế quy mô có thể giúp các Foodtech có được giá tốt hơn từ những nhà sản xuất nguyên vật liệu.

Tuy nhiên, để làm được việc này, các tài xế phải thay đổi khá nhiều so với mô hình Foodtech hiện nay. Một trong số đó là chở hàng cồng kềnh bằng xe máy và trong lĩnh vực này Loship có lợi thế hơn nhờ tập trung khai thác từ trước.

Tính đến cuối năm 2021, Loship có hơn 2 triệu khách hàng trên khắp Việt Nam, hơn 70.000 tài xế và 250.000 đối tác. Công ty nhắm đến thâm nhập ít nhất 20 thành phố trong năm nay, bao gồm các đô thị lớn, thành phố cấp 1, cũng như các thị trường cấp thấp hơn.Công ty này đặt mục tiêu đạt 200.000 giao dịch hằng ngày, tiếp cận 5 triệu khách hàng, mở rộng mạng lưới tài xế lên 100.000 và có 1 triệu người bán hàng vào năm 2022.

Tạm kết

Nhìn chung, cơ hội vẫn có cho BAEMIN và Loship. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, gần như các foodtech đều vướng phải vấn đề dòng vốn và tốc độ tăng trưởng chậm của thị trường. Đây là thời điểm đánh giá tính “cam kết” của các Foodtech đối với thị trường Việt Nam, ai tập trung và ít phân tán nguồn lực hơn sẽ có lợi thế trong thời gian tới.

Source: Nhịp cầu Đầu tư

Bài viết liên quan
Xem tất cả