Để hoạt động kinh doanh karaoke được hợp pháp theo quy định của nhà nước và pháp luật, trước hết cá nhân, tổ chức cần phải tiến hành đăng ký doanh nghiệp, hoặc hộ kinh doanh. Đồng thời cũng thể hiện được trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này. Hãy cùng MISA CukCuk tìm hiểu cách đăng ký kinh doanh karaoke qua bài viết dưới đây.
I. Khái niệm kinh doanh dịch vụ karaoke
Kinh doanh dịch vụ karaoke là hoạt động thu lợi hợp pháp từ việc cung cấp các dịch vụ, cơ sở vật chất, điều kiện… Nhằm đáp ứng nhu cầu ca hát, nghe nhạc của khách hàng như: phòng hát, bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, nhạc nền, lời hát, thiết bị hỗ trợ, đồ ăn, nước uống, người phục vụ.
Mặc dù loại hình kinh doanh này rất phổ biến, nhưng đều phải tuân thủ theo các quy định về đăng ký, giấy tờ, điều kiện, yêu cầu nhất định theo pháp luật Việt Nam.
II. Điều kiện đăng ký kinh doanh karaoke
Tất cả các ngành nghề kinh doanh đều đòi hỏi những điều kiện nhất định. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, canh tranh công bằng văn minh. Đặc biệt ngành kinh doanh karaoke lại thuộc nhóm ngành nghề giải trí, đem lại nguồn lợi nhuận cao. Nhưng cũng ẩn chứa nhiều hoạt động dễ liên quan tới tệ nạn, gây nguy hại cho cộng đồng nếu không được kiểm soát đúng mức.
Vậy pháp luật quy định điều kiện đăng ký để kinh doanh karaoke như thế nào? Pháp luật Việt Nam quy định rõ nội dung này trong các văn bản pháp lý, điều luật sau: Nghị định 96/2016 – nghị định CP về điều kiện an ninh, trật tự đối với ngành nghề này; Nghị định 54/2019 NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ; Thông tư 01/2021-TT-BTC quy định về việc thu, nộp, cấp giấy phép và quản lý kinh doanh karaoke…
Nội dung cụ thể như sau:
- Chủ thể đăng ký kinh doanh ngành nghề này phải là doanh nghiệp, hoặc hộ kinh doanh (theo quy định của pháp luật)
- Không gian phòng hát đủ rộng, yêu cầu từ 20m2 trở lên, chưa tính nhà vệ sinh và bộ phận phục vụ khác.
- Địa điểm đăng ký để kinh doanh karaoke cần có khoảng cách đủ xa. Ít nhất 200m với các trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa tâm linh tín ngưỡng, đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước…
- Không chốt cửa bên trong phòng hát, không đặt chuông báo động, trừ các loại báo hiệu chống cháy nổ, báo nguy hiểm theo quy định bắt buộc của pháp luật.
- Cửa ra vào của phòng hát phải trang bị kính trong suốt, để qua sát được bên trong. Toàn bộ diện tích khung, nếu có cũng không được vượt quá 15% diện tích cửa.
- Đảm bảo các yêu cầu, điều kiện tiêu chuẩn nhằm giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Các đơn vị kinh doanh được phép thuê lao động từ 18 tuổi trở lên, có trang bị trang phục, công cụ lao động, biển tên.
- Có trang bị hệ thống cách âm, nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng tới khu dân cư xung quanh. Được sự đồng ý của người dân địa phương kề cận, hoặc người dân gần sát với địa điểm kinh doanh.
- Chỉ sử dụng những bài hát được phép lưu hành, có nội dung phù hợp với văn hóa, pháp luật, quy định của Việt Nam về bản quyền tác phẩm.
- Các hoạt động karaoke phải tuân thủ quy định trong việc tuyên truyền tác hại của thuốc lá.
- Tuân thủ tuyệt đối quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn, an toàn lao động, chống cháy nổ…
- Kinh doanh karaoke không vượt quá 12h đêm và trước 8h sáng hàng ngày.
- Khi có chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt, thì cần xin phép các cơ quan thẩm quyền và địa phương, theo đúng quy định tùy loại hình cụ thể.
III. Trình tự xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke
Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện theo quy định và cấp Giấy phép (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019).
- Trường hợp không cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
IV. Hướng dẫn chi tiết các bước đăng ký giấy phép kinh doanh karaoke
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và thủ tục đăng ký kinh doanh karaoke
Để việc đăng ký giấy phép kinh doanh thuận lợi chủ quán nên chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Điền mẫu văn bản đề nghị cấp phép đủ điều kiện được hoạt động kinh doanh karaoke. (Mã ngành đăng ký kinh doanh karaoke là: 9329 – Hoạt động vui chơi giải trí khác)
- Trường hợp địa điểm kinh doanh tại nơi đông dân cư liền kề, cần chuẩn bị giấy xác nhận đồng ý của các hộ dân liền kề.
- Chuẩn bị bản sao giấy phép kinh doanh (2 bản có công chứng).
- Chuẩn bị hợp đồng thuê nhà, thuê địa điểm hay mặt bằng, nếu có (2 bản sao công chứng).
- Chuẩn bị giấy xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy (2 bản sao công chứng).
- Bản khai lý lịch của người đại diện/người chịu trách nhiệm.
- Sơ đồ thiết kế phòng hát tại địa điểm kinh doanh (bản vẽ trên thiết kế hoặc vẽ tay).
Bước 2: Nộp giấy tờ đăng ký giấy phép kinh doanh karaoke tại Phòng Văn hóa và Thông tin
Nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại Phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, thành phố trực thuộc địa phương đang muốn kinh doanh.
Bộ phận tiếp nhận sẽ kiểm tra hồ sơ đầy đủ, sau đó cử đoàn kiểm tra xuống thực địa, cũng như thẩm định các yêu cầu cho việc mở kinh doanh karaoke, theo quy định. Nếu đơn vị kinh doanh đã đạt đủ các tiêu chuẩn thì Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ bổ sung các biên bản xác nhận.
Bước 3: Nộp giấy tờ đăng ký giấy phép kinh doanh karaoke lên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Toàn bộ hồ sơ được Phòng văn hóa và Thông tin gửi lên đơn vị hành chính cấp cao hơn để xin cấp giấy phép. Trong vòng 7 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ, ngày lễ tết) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thì Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ báo đơn vị kinh doanh/doanh nghiệp lên nhận giấy phép.
Trường hợp từ chối cấp phép sẽ thì cơ quan chức năng, sẽ có thông báo bằng văn bản ghi rõ lý do và yêu cầu bổ sung hồ sơ, nếu có.
IV. Những giấy phép cần có khác để có thể hoạt động kinh doanh karaoke
Các hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp cần lưu ý bổ sung các loại giấy phép, cần thiết khác theo quy định trước khi chính thức bước vào hoạt động:
- Giấy phép về an ninh trật tự tại địa phương.
- Giấy phép về phòng cháy chữa cháy trong hoạt động kinh doanh.
- Cam kết về việc tuân thủ bảo vệ môi trường trong quá trình kinh doanh.
- Giấy phép về việc kinh doanh rượu, bia, thuốc lá…
- Giấy cấp phép chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
V. Trách nhiệm của chủ cơ sở trong khi kinh doanh dịch vụ karaoke
- Chủ cơ sở kinh doanh cần tuân thủ việc đăng ký và thực hiện các quy định về thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh karaoke. Lưu ý gia hạn giấy phép kinh doanh khi hết hạn.
- Đảm bảo các cam kết và duy trì chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, ô nhiễm tiếng ồn, dự phòng rủi ro cháy nổ, âm thanh ánh sáng trong phòng hát.
- Tuân thủ luật lao động cũng như đảm bảo các quy định, trách nhiệm đối với người lao động.
- Phối hợp với cơ quan chức năng trong các hoạt động kiểm tra, điều tra.
- Chủ cơ sở kinh doanh có trách nhiệm thông báo ngay với các cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng, ngay khi phát hiện ra các sự cố như cháy nổ, báo động nguy hiểm, … Hoặc khi phát hiện ra các đối tượng tội phạm, đối tượng có dấu hiệu phạm tội
Đọc thêm: Top 7 Phần mềm tính tiền quán Karaoke, quán hát miễn phí tốt nhất
VI. Kết luận
Ngành kinh doanh về dịch vụ vui chơi giải trí, đang mở ra nhiều tiềm năng đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định, điều kiện pháp luật kinh doanh karaoke, ngay từ đầu sẽ giúp cho việc kinh doanh được thuận lợi và an toàn. Ngoài ra, các chủ cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể tìm tới các trung tâm tư vấn luật và dịch vụ để được tư vấn chính xác, nhanh chóng.