Cách đăng ký nhãn hiệu quán cafe, nhà hàng mới nhất

Đăng ký nhãn hiệu quán cafe, nhà hàng một trong những yếu tố bắt buộc để chủ nhà hàng, quán cafe nâng tầm mô hình kinh doanh F&B của mình. Tuy nhiên, thực tế tại thị trường Việt Nam cho thấy: phần đông người kinh doanh dịch vụ ăn, uống thường bỏ qua bước này.

Phần lớn các chủ đầu tư thường lựa chọn việc đầu tư sau, khi mô hình F&B đi vào hoạt động ổn định mới nghĩ đến việc “chuyên nghiệp hoá”. Cách làm này không sai, nhưng sẽ gây tốn thời gian và bỏ lỡ những cơ hội gọi vốn, nhượng quyền có thể mang về rất nhiều thu nhập trong tương lai.

Thậm chí, một vài thương hiệu lớn đã gặp phải những câu chuyện dở khóc, dở cười khi chưa kịp đăng ký nhãn hiệu thì đã có hàng trăm mô hình ăn theo, đạo nhái và làm cho sản phẩm dịch vụ tâm huyết của mình mất đi giá trị trong mắt khách hàng và đối tác.

Bài viết này của Blog CukCuk sẽ giải thích tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu, cũng như hướng dẫn đăng ký bản quyền nhãn hiệu cho dịch vụ ăn uống từ A-Z cho các chủ quán cà phê, nhà hàng.  

I. Sự khác nhau giữa khái niệm “nhãn hiệu” và “thương hiệu” 

Nhiều người thường lầm tưởng các hoạt động đăng ký tên, logo, tagline, hoạ tiết và màu sắc cơ sở là đăng ký thương hiệu. Tuy vậy đây là cách hiểu không chính xác. Để có thể hiểu đúng và làm đúng, chúng ta cần phải phân biệt được khái niệm này.

Nhãn hiệu (trade mark) được định nghĩa là các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau, giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. ( Theo WIPO – Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) 

Trong khi đó, thương hiệu (brand) là cách thức một tổ chức hoặc một cá nhân tạo nên cá tính riêng của mình. Được cảm nhận hữu hình hoặc vô hình bởi những người trải nghiệm cá tính đó. Những người trải nghiệm này có thể là bất kỳ ai: khách hàng, đối tác hay nhân sự của chính tổ chức hoặc cá nhân tạo nên thương hiệu quản lý.

Như vậy, về bản chất nhãn hiệu được Luật hóa còn thương hiệu thì không. Tại Việt Nam, thuật ngữ “Thương hiệu” được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh nên đại bộ phận người kinh doanh thường lầm tưởng các hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ như đã kể trên là đăng ký thương hiệu. 

Nhãn hiệu và thương hiệu

MISA CukCuk tặng miễn phí Cẩm nang Hướng dẫn sử dụng thành thạo công cụ thiết kế đồ họa online Canva chỉ với 6 bước 

II. Cách thức phân loại nhãn hiệu

Trên thế giới và tại Việt Nam đều phân loại nhãn hiệu dựa theo các thành tố cấu tạo nên nhãn hiệu (chữ cái, chữ số, hình vẽ, ảnh chụp), mục đích sử dụng hoặc theo tính chất đặc biệt (được quy định). Có 03 cách thức phân loại nhãn hiệu:

  • Phân loại nhãn hiệu dựa theo các yếu tố khi bảo hộ nhãn hiệu
  • Phân loại nhãn hiệu theo mục đích sử dụng
  • Phân loại nhãn hiệu theo tính chất

2.1. Phân loại nhãn hiệu dựa theo các yếu tố khi bảo hộ nhãn hiệu 

Phân loại nhãn hiệu dựa trên dấu hiệu tạo nên từ chữ cái, ký tự, chữ số, biểu tượng, quy ước, từ ngữ, khẩu hiệu

Các thành tố sử dụng để đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ thường bao gồm:

  • Từ ngữ
  • Chữ cái
  • Ký tự
  • Chữ số
  • Biểu tượng quy ước
  • Khẩu hiệu

Đây là loại dấu hiệu được đăng ký phổ biến nhất khi bảo hộ nhãn hiệu. Lý do là bởi ngôn ngữ là cách thể hiện rõ ràng và nhanh chóng cho đại bộ phận người quan tâm.

Trong một số trường hợp slogan hay tagline cũng có thể được coi là đúng luật khi đăng ký nhãn hiệu bởi đây là một dạng kết hợp từ ngữ, giúp gợi mở về thương hiệu.

Tuy nhiên càng về sau, việc đăng ký nhãn hiệu dưới dạng từ ngữ càng trở nên khó khăn hơn. Lý do là bởi những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đi sau thường không còn chọn được những từ ngữ, ký tự phù hợp (có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp nữa).

Một điều thú vị nữa là loại nhãn hiệu này có thể kết hợp biểu tượng vào chữ cái cách điệu mà vẫn có thể đăng ký bảo hộ như bình thường. Hãy nhìn vào cách làm nhãn hiệu DELL (công ty máy tính) hay VISA (nhãn hiệu chứng nhận thẻ có khả năng thanh toán quốc tế do tổ chức Visa International Service Association cung cấp).

Phân loại nhãn hiệu

Phân loại nhãn hiệu dựa trên dấu hiệu hình

Dấu hiệu hình có thể được hiểu đơn giản là LOGO thể hiện bằng hình ảnh được thiết kế riêng biệt (không trùng lặp hoặc tương đồng với các dấu hiệu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước đó).

Dấu hiệu hình có thể được tạo thành từ một tổ hợp các hình ảnh từ đơn giản đến phức tạp, nhưng không được xuất hiện yếu tố từ ngữ, chữ cái, ký tự, chữ số như mục trên. 

Nhãn hiệu dựa trên dấu hiệu hình

Phân loại nhãn hiệu dựa trên dấu hiệu kết hợp

Ngày nay, dấu hiệu kết hợp là phương án được lựa chọn phổ biến để đăng ký nhãn hiệu dựa vào khả năng “tránh đụng hàng” của nó. Dấu hiệu kết hợp thường bao gồm yếu tố hình ảnh đi cùng với yếu tố từ ngữ, chữ số, chữ cái. Sự kết hợp này giúp cho các thương hiệu đăng ký nhãn hiệu dễ dàng hơn mà vẫn tạo ra nét riêng biệt cho nhãn hiệu của mình. 

Phân loại nhãn hiệu dựa trên màu sắc

Trước hết cần phải khẳng định rằng, màu sắc không phải là một dấu hiệu được chấp nhận bảo hộ vì màu sắc được coi là khái niệm chung. Vì thế để được công nhận là một nhãn hiệu, màu sắc cần phải được đưa vào một đường nét rõ ràng hoặc một hình dáng cụ thể. Trong trường hợp có nhiều hơn một màu sắc, mỗi màu sắc cần phải được thể hiện riêng biệt, xác định và nằm trong một đường nét rõ ràng, hình dáng cụ thể. 

Phân loại nhãn hiệu dựa trên màu sắc

2.2. Phân loại nhãn hiệu theo mục đích sử dụng

Theo Luât sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa theo mục đích sử dụng được phân loại như sau:

Nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng cho sản phẩm hàng hoá “Nhãn hiệu hàng hoá là dấu hiệu riêng được dùng để phân biệt hàng hoá cùng loại của các cơ sở kinh doanh khác nhau.”
Nhãn hiệu dịch vụ được sử dụng cho sản phẩm dịch vụ “Nhãn hiệu dịch vụ là dấu hiệu riêng được dùng để phân biệt dịch vụ cùng loại của các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác nhau.” 

2.3. Phân loại nhãn hiệu theo tính chất

Nhãn hiệu tập thể

Là nhãn hiệu thuộc về nhiều chủ đồng sở hữu và có quyền sử dụng sản phẩm như sau. Nhãn hiệu tập thể thường được đăng ký dựa theo địa danh để làm nổi bật giá trị sản phẩm, dịch vụ địa phương. Một số sản phẩm có nhãn hiệu tập thể nổi tiếng trên thị trường: Chè Thái Nguyên, Rượu Mẫu Sơn, Nho Ninh Thuận… 

Nhãn hiệu liên kết

Là nhãn hiệu con của một nhãn hiệu lớn, thường là nhãn hiệu sản phẩm hoặc nhãn hiệu thành viên của một tập đoàn. Nhãn hiệu liên kết có thể tạo ra một hệ sinh thái cho người trải nghiệm nhanh chóng lựa chọn từ một sản phẩm, dịch vụ sang các sản phẩm, dịch vụ khác cùng chủ sở hữu. 

Nhãn hiệu chứng nhận

Là nhãn hiệu của các đơn vị, tổ chức đo lường, kiểm định sản phẩm, dịch vụ để chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu cấu thành… 

III. Lưu ý các từ ngữ và cụm từ ngữ không hoặc khó được bảo hộ nhãn hiệu

Khi triển khai bảo hộ nhãn hiệu, việc đặt tên và thiết kế LOGO là vô cùng quan trọng. Như đã giải thích ở trên, có thể đăng ký rất nhiều loại nhãn hiệu khác nhau. Tuy nhiên phương pháp phổ biến nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới là nhãn hiệu kết hợp (có cả yếu tố hình ảnh và chữ cái) nhằm tránh bị đăng ký trước hay gặp khó khi đăng ký.

Trong trường hợp chủ thương hiệu vẫn mong muốn đăng ký nhãn hiệu chỉ được cấu thành bởi chữ cái, ký tự, chữ số, biểu tượng, quy ước, từ ngữ, khẩu hiệu. Tổ chức/cá nhân cần phải lưu ý đến những từ ngữ, cụm từ sau sẽ không hoặc khó được bảo hộ:

  • Từ dùng để mô tả hàng hoá hoặc dịch vụ: Chủ quán cà phê đặt tên quán cà phê là Latté hay Espresso sẽ không được bảo hộ. Do đây là tên gọi chung của 02 đồ uống phổ biến trên thế giới.
  • Các cụm từ mô tả sản phẩm phổ biến: Chủ cơ sở cung cấp gỗ óc chó muốn bảo hộ nhãn hiệu Gỗ Óc Chó sẽ không được phê duyệt.
  • Tên riêng phổ biến: Các tên riêng phổ biến như Quang Huy, Bích Ngọc, Tuấn Anh sẽ không được bảo hộ.
  • Tên địa danh: Các tên riêng về địa danh như tên tỉnh, tên thành phố, tên thị trấn sẽ không được bảo hộ ví dụ Hà Nội, Đà Nẵng.
  • Chữ viết tắt phổ biến: Các chữ viết tắt phổ biến như OMG (Oh my good), ASAP (As soon as possible) sẽ không được bảo hộ.
  • Các chữ cái, con số riêng lẻ: Các chữ số như 1,2,3 và các chữ cái như A,B,C sẽ không được bảo hộ.
  • Hệ chữ tượng hình: Các hệ chữ tượng hình như chữ Trung Quốc, chữ Phạn, chữ Ả Rập,chữ Ai Cập cổ đại sẽ không được bảo hộ.
  • Các hình học đơn giản phổ biến: Các hình đơn giản như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, đa giác đều phổ biến sẽ không được bảo hộ.
  • Sự kết hợp của quá nhiều chữ cái hoặc hình vẽ phức tạp: Các biểu tượng cấu thành từ quá nhiều thành phần phức tạp sẽ không được bảo hộ.
  • Từ ngữ, cụm từ mang tính kích động bạo lực hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục sẽ không được bảo hộ.
  • Tên của các tổ chức Phi chính phủ như WHO (tổ chức Y tế Thế giới) sẽ không được bảo hộ.
  • Quốc kỳ, Quốc huy, các dấu hiệu chứng nhận, các dấu hiệu mang tính chất kích động bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục sẽ không được bảo hộ.
  • Tên thật, bí danh, bút danh, chữ ký của các Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Thế giới như Marie Curie, Che Guevara sẽ không được bảo hộ.

Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng từ chối các nhãn hiệu bao gồm, liên tưởng hoặc thể hiện sự tương đồng nhất định với các dấu hiệu kể trên.

IV. Tại sao các mô hình F&B lại cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Việc đăng ký nhãn hiệu trong giai đoạn mở nhà hàng, quán ăn, quán cafe thường không phải là vấn đề trọng tâm được chủ nhà hàng quan tâm. Điều này xuất phát từ tâm lý tiết kiệm chi phí, không tự tin vào khả năng thành công và mở rộng. Chính suy nghĩ này đã trở thành rào cản tâm lý rất lớn cho chủ nhà hàng khi đứng trước cơ hội phát triển.

4.1. Những yếu điểm của mô hình F&B không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Không được pháp luật ghi nhận quyền sở hữu nhãn hiệu và bảo vệ

Khi mô hình quán cà phê hay nhà hàng của bạn được cấp văn bằng bảo hộ đồng nghĩa với việc trong ngành F&B, sản phẩm của bạn đã được bảo hộ độc quyền. Mô hình F&B của bạn lúc này trở thành một nhãn hiệu riêng biệt, có chỗ đứng khó có thể bị bắt chước, ăn cắp, làm giả, làm nhái nhãn hiệu mà không gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào.

Có rất nhiều trường hợp nhãn hiện của một vài mô hình F&B cấp chuỗi tại địa phương (có trên một cửa hàng trong một khu vực nhất định – không phải toàn quốc) đã thành công trong việc yêu cầu các đơn vị đạo nhái chấm dứt hành vi vi phạm và yêu cầu đền bù.

Đối với các thương hiệu F&B cấp chuỗi toàn quốc, họ thường không yêu cầu đền bù (do khả năng đền bù của các chủ đầu tư nhỏ là không cao) mà chỉ có công văn kiến nghị chấm dứt các hành vi đạo nhái, cố tình làm sai lệch nhận thức của khách hàng và cung cấp sản phẩm dịch vụ kém chất lượng gây khó chịu cho khách hàng và giảm giá trị thương hiệu. 

Thiếu niềm tin với thương hiệu từ các nhà đầu tư và đối tác  

Bất kỳ một nhà đầu tư, đối tác nào khi xác định đầu tư vào dự án của bạn, đều mong muốn thu về lợi ích tối đa. Xây dựng pháp nhân doanh nghiệp rõ ràng và bảo hộ nhãn hiệu là những cơ sở nền móng đầu tiên giúp mô hình F&B của bạn phát triển nhanh và đúng hướng. 

Một thương hiệu không chỉn chu trong việc bảo hộ nhãn hiệu cũng sẽ không chỉn chu trong hoạt động Marketing – Truyền thông.

  • Về tiềm lực tài chính: một mô hình không sẵn sàng chi trả chi phí trên dưới 20.000.000 VNĐ cho bảo hộ nhãn hiệu sẽ không có ngân sách Marketing để xây dựng thương hiệu.
  • Về năng lực triển khai: một chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, nhưng không sẵn sàng triển khai bảo hộ nhãn hiệu sẽ còn bị đánh giá thấp hơn trên khía cạnh kinh nghiệm đội nhóm.

>> Ở trong cả 02 trường hợp này, chủ đầu tư đều rất phân vân khi đầu tư vào mô hình F&B của bạn. Để hỗ trợ anh chị chủ hàng quán MISA CukCuk gửi tặng anh chị Template kế hoạch marketing nhà hàng, quán ăn, quán cafe TẠI ĐÂY.

Thiếu niềm tin với khách hàng

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đồng nghĩa với việc bạn đang bảo vệ những khách hàng quen và trung thành với thương hiệu. Hạn chế thấp nhất trường hợp khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ F&B đạo nhái dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới trải nghiệm thậm chí là cả sức khoẻ.

Khách hàng gặp phải các ảnh hưởng tiêu cực, bạn không thể giải thích rằng các thương hiệu khác đạo nhái nhãn hiệu của bạn. Bạn sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm cho sự hiểu nhầm của khách hàng do bạn không thực hiện đủ những hoạt động Marketing và Truyền thông đủ tốt để hạn chế thấp nhất rủi ro cho khách hàng.

Ngoài ra, khi nhãn hiệu của bạn được bảo hộ từ thời điểm xây dựng ban đầu. Bạn sẽ hoàn toàn yên tâm về các hoạt động Marketing – Truyền thông đi theo một xu hướng thống nhất. Bạn sẽ không phải lo lắng về việc bị kiện cáo bởi các nhãn hiệu khác đã được bảo hộ hay phải đổi tên thương hiệu trong quá trình vận hành để có thể bảo hộ được nhãn hiệu của mình.

Ở thời điểm hiện tại, việc đổi tên Fanpage, đổi tên miền chưa chắc đã là việc đơn giản nữa. Chính vì thế, xác định tên thương hiệu và nhãn hiệu đại diện từ thời điểm ban đầu sẽ giúp bạn “Yên tâm công tác” cho chặng đường kinh doanh sắp tới. 

Bỏ lỡ những cơ hội để mở rộng nhượng quyền

Trong quá trình vận hành, bạn sẽ không bao giờ biết cơ hội phát triển đến với mình như thế nào. Vấn đề nằm ở việc, bạn đã chuẩn bị sẵn những điều kiện cần để khi cơ hội đến mình có thể nắm bắt hay chưa.

Một mô hình F&B thành công luôn là ước mơ của nhiều chủ đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi chưa biết đầu tư vào đâu. Vì thế chỉ cần mô hình F&B của bạn chứng minh được năng lực vận hành và bài toán kinh doanh hiệu quả, chắc chắn có rất nhiều người muốn đồng hành cùng bạn. Từ đó có cơ hội Xây dựng “đế chế” nhà hàng nhượng quyền của riêng bạn 

eBook kinh doanh nhượng quyền nhà hàng

Trở ngại duy nhất lúc này chính là tính pháp lý của nhãn hiệu. Nếu bạn chưa bảo hộ được nhãn hiệu mà người nhượng quyền vẫn muốn đồng hành cùng bạn, chẳng có cơ sở gì để khẳng định sau khi bạn bàn giao công nghệ, quy trình, công thức, họ không huỷ hợp đồng với bạn cả.

Ngược lại, nếu người nhượng quyền không quyết định đầu tư vào mô hình F&B của bạn, họ không sai khi cân nhắc các rủi ro có thể gặp phải trong việc: một đơn vị khác không ký hợp đồng nhượng quyền với bạn nhưng lại mở cơ sở cạnh tranh trực tiếp với chính họ.

Hãy lưu ý rằng, thời gian để có thể hoàn tất thủ tục bảo hộ nhãn hiệu sẽ kéo dài trung bình từ 01 đến 02 năm. Nếu mô hình F&B của bạn thành công và đã bắt đầu có người đặt vấn đề nhượng quyền, nhưng bạn lại chưa chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục pháp lý đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Bạn sẽ mất đi 01 đến 02 năm với rất nhiều cơ hội để phát triển nhanh mô hình F&B của mình.

4.2. Những câu chuyện về bản quyền nhãn hiệu trong ngành F&B

Trong ngành F&B, những câu chuyện nhãn hiệu đối với các doanh nghiệp lớn luôn là một bài toán nan giải. Có rất nhiều doanh nghiệp F&B phát triển chuỗi lên tới tốc độ chóng mặt nhưng cuối cùng lại gục ngã nhanh chóng chỉ vì câu chuyện “nhãn hiệu”. 

Câu chuyện nhãn hiệu Urban Station

Urban Station từng là một trong những chuỗi nhượng quyền cà phê phát triển nhất Việt Nam những năm 2012. Từ một cửa hàng đầu tiên tại Sài Gòn, Urban Station phát triển nhanh chóng.

Chỉ trong vòng 01 năm, Urban Station cán mốc 60 cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc, đạt doanh số 6 triệu đô. Nhưng thực tế đáng buồn từ Urban Station ở thời điểm đó là nhãn hiệu này không được bảo hộ.

Sau khi cơn sốt về thương hiệu qua đi, một bộ phận không nhỏ đối tác gặp vấn đề trong kinh doanh lật lại hợp đồng và phát hiện ra nhãn hiệu “Urban Station” không được bảo hộ. Họ nhanh chóng huỷ các thoả thuận hợp đồng và tự triển khai kinh doanh, tách riêng khỏi hệ thống, nhưng vẫn giữ lại nhận diện thương hiệu Urban Station. Sự sụp đổ này kéo theo cả những cửa hàng có mối quan hệ tốt với công ty.

Cuối cùng ở thời điểm 2018, Urban Station chỉ còn lại 8 cửa hàng và chính thức đóng cửa vào năm 2020. Kết thúc một câu chuyện buồn về một thương hiệu F&B bài bản từ vận hành, kinh doanh đến marketing, nhưng lại thiếu đi sự bảo hộ cho cái tên của mình.

Câu chuyện Cộng Cà Phê

Cộng Cà Phê ra đời trong năm 2007 từ một cửa hàng nhỏ trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội. Cái tên “Cộng” đơn giản là lấy chữ cái đầu tiên trong câu “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Cộng Cà Phê nhanh chóng tiến hành các thủ tục bảo hộ nhãn hiệu và phát triển lên chuỗi 50 cửa hàng cà phê trong năm 2016.

Cộng Cà Phê tương tự như Urban Station lựa chọn hướng đi nhượng quyền để phát triển hệ thống của mình. Thế mạnh của Cộng Cà Phê chính là không gian độc đáo và chất lượng phục vụ.

Về menu Cộng Cà Phê không quá nổi bật khi tập trung vào cà phê truyền thống. Chính vì lý do đó, Cộng Cà Phê gặp phải rất nhiều mô hình kinh doanh F&B đạo nhái ý tưởng trên hành trình phát triển của mình. Tuy vậy với nhãn hiệu được bảo vệ, Cộng Cà Phê đã duy trì được thương hiệu của mình.

Năm 2018, Cộng Cà Phê đã nhượng quyền thành công sang Hàn Quốc và hiện nay tại xứ sở Kim Chi đã có 7 cửa hàng nhượng quyền của Cộng. Xem thêm Chiến lược Marketing của Cộng cà phê khi thâm nhập vào Hàn Quốc

Tại thị trường Malaysia, Cộng cũng đã nhượng quyền thành công 02 cửa hàng và sẽ tiếp tục phát triển lên 4 cửa hàng trong thời gian tới.

Chiến lược Marketing của Cộng cà phê khi thâm nhập vào Hàn Quốc

Câu chuyện nhãn hiệu Gạo ST24, ST25

Câu chuyện nhãn hiệu không phải chỉ diễn ra tình trạng “khôn vặt” tại thị trường Việt Nam. Gạo ST25 hay còn được biết đến với tên gọi gạo thơm Sóc Trăng, là thành quả nghiên cứu cả đời người của kỹ sư Hồ Quang Cua. Chất lượng gạo ST25 đã được cả thế giới công nhận khi giành giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2019” và giải nhì cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2020”.

Tuy vậy chỉ có nhãn hiệu “Lúa giống ST25” được cấp bằng bảo hộ. Sản phẩm “Gạo ST25” không được bảo hộ. Chính vì thế trong năm 2021, tại thị trường Mỹ có 04 doanh nghiệp xin cấp độc quyền nhãn hiệu “ST25” cho sản phẩm gạo và đã được chấp nhận vào ngày 04/05/2021.

Trường hợp của gạo ST25 bị đăng ký bản quyền trước sẽ dẫn đến hậu quả khi Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tên của loại gạo này sẽ bị thay đổi. Không được thể hiện dưới tên gọi ST25 trong bất kỳ hình thức gì, hoặc sẽ phải trả phí cho đơn vị sở hữu bản quyền tên gọi này.

Không chỉ có vậy, tại thị trường Úc, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất thương hiệu gạo ST24, ST25 vào tay doanh nghiệp nội địa.

Đây là bài học xót xa về một sản phẩm đã trải qua 20 năm nghiên cứu để chứng minh được tính ưu việt và được cộng đồng quốc tế đón nhận. Nhưng khi đứng trước cơ hội vàng để thương mại hoá thì đã gặp phải những rào cản bước đầu, thu hẹp lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân Sóc Trăng.

V. Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu 

Trong phần tiếp theo của bài viết, Blog CukCuk sẽ hướng dẫn chi tiết các bước đăng ký và thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Để đăng ký được nhãn hiệu không phải là một việc khó.

Tuy vậy trên quá trình triển khai xây dựng nhãn hiệu sẽ có một số “khó chịu” phát sinh để có thể đảm bảo nhãn hiệu được cấp bảo hộ thành công. Dưới đây là trình tự các bước để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:

  • Bước 1: Lựa chọn mô hình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thuộc tổ chức hoặc cá nhân
  • Bước 2: Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu có khả năng bảo hộ nhãn hiệu thành công
  • Bước 3: Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ
  • Bước 4: Nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
  • Bước 5: Thẩm định hình thức và nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
  • Bước 6: Thông báo dự định cấp/từ chối cấp văn bằng
  • Bước 7: Nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 

Bước 1: Lựa chọn mô hình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thuộc tổ chức hoặc cá nhân

Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

  • Tổ chức hoặc cá nhân tự sản xuất kinh doanh và cung cấp các hàng hoá hoặc dịch vụ đều có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
  • Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để các thành viên thuộc tập thể đó sử dụng the quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Như vậy, bất kỳ một doanh nghiệp hay cá nhân nào, thậm chí một mô hình F&B được sở hữu bởi hai doanh nghiệp khác nhau đều có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Đối với hộ kinh doanh cá thể, hoạt động kinh doanh giới hạn nhân sự dưới 10 người là một nhược điểm trong quá trình phát triển chuỗi. Vì thế để mô hình F&B vận hành ổn định trong thời gian dài, Blog CukCuk đưa ra lời khuyên cho các chủ đầu tư nên lựa chọn một trong hai mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần để đăng ký quyền bảo hộ nhãn hiệu. 

Bảng so sánh sự khác nhau giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần

Công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty cổ phần

Cơ sở pháp lý theo Điều 47 – Điều 72 Luật doanh nghiệp 2014. Cơ sở pháp lý theo Điều 110 – Điều 171 Luật doanh nghiệp 2014.
Tối thiểu 02 thành viên góp vốn, tối đa 50 thành viên góp vốn. Tối thiểu 03 thành viên góp vốn, tối đa không giới hạn
Vốn điều lệ không chia thành các phần bằng nhau Vốn điều lệ chia thành các phần bằng nhau, ghi nhận bằng cổ phiếu
Được góp vốn bằng tài sản nếu được tán thành của đa số thành viên Cổ đông sáng lập phải đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký.
Không được phát hành cổ phiếu Được phát hành cổ phiếu
Chuyển nhượng cổ phần có điều kiện (ưu tiên chuyển nhượng cho thành viên trong công ty) Chuyển nhượng cổ phần tự do sau 03 năm đầu. Chịu thuế suất 0,1%.
Một mô hình triển khai gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc tổng giám đốc, Ban kiểm soát Mô hình triển khai gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Tuỳ vào mục tiêu phát triển mà chủ đầu tư có thể lựa chọn hình thức thành lập doanh nghiệp phù hợp.

  • Giả sử chủ đầu tư kì vọng có thể trở thành công ty đại chúng, phát hành cổ phiếu và niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc muốn mở rộng quy mô thành viên lên trên 50 người thì nên lựa chọn hình thức doanh nghiệp là công ty cổ phần.
  • Nếu không có mong muốn phát triển như trên thì chủ đầu tư có thể lựa chọn hình thức thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên để không phải chịu thuế suất khi chuyển nhượng cổ phần. 

Bước 2: Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu có khả năng bảo hộ nhãn hiệu thành công

Bộ nhận diện thương hiệu thường bao gồm:

  • LOGO thương hiệu
  • Bộ hướng dẫn sử dụng thương hiệu
  • Bộ ấn phẩm nhận diện

>> Trong đó, LOGO chính là dấu hiệu để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. 

Lý do cần phải thiết kế bộ nhận diện thương hiệu có khả năng bảo hộ nhãn hiệu thành công nằm ở việc một số ấn phẩm nhãn hiệu có thể được thiết kế ra rất đẹp, nhưng lại sử dụng các thành phần được thiết kế sẵn trên Internet. Trong trường hợp các thành phần này đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu, rất có khả năng LOGO của bạn sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ. 

Trong công đoạn thiết kế bộ nhận diện thương hiệu này, chủ đầu tư F&B cần lưu ý đến cả yếu tố tên gọi. Trong trường hợp nhãn hiệu F&B được thiết kế mà không có yếu tố hình ảnh, tên gọi của thương hiệu cần phải đảm bảo không bị “đụng hàng” để có thể nhượng quyền thành công. 

Bước 3: Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ

Lời khuyên dành cho chủ đầu tư mô hình F&B là ở công đoạn đặt tên, thiết kế nhận diện thương hiệu, chủ đầu tư nên lựa chọn một đơn vị thiết kế chuyên biệt. Thông thường các đơn vị thiết kế này thường đi kèm tư vấn cách đặt tên và đăng ký bảo hộ thương hiệu. 

Các đơn vị thiết kế, thi công thường sẽ có một bộ phận luật sư chuyên tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ. Từ đó, đưa ra lời khuyên về tên và thiết kế cho bạn. Tránh tình trạng mất thời gian triển khai lên ý tưởng nhưng đến lúc tra cứu lại khó đăng ký dẫn tới phải đặt lại tên và thiết kế lại từ đầu.

Bước 4: Nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Với hình thức nộp đơn giấy trực tiếp

Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

  • Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
  • Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Với hình thức nộp đơn trực tuyến

Để đăng ký trực tuyến thành công, người nộp cần có chứng thư số, chữ ký số, phải đăng ký tài khoản đăng nhập trên hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch liên quan đến quá trình hoàn thiện hồ sơ. Chủ mô hình F&B cần phải nộp lệ phí đăng ký ngay sau khi nộp đơn đăng ký. 

Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bao gồm:

  • 02 tờ khai đăng ký theo mẫu số 04-NH, Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BHKCN
  • 02 mẫu nhãn hiệu đề nghị đăng ký (mẫu nhãn hiệu phải trình bày rõ ràng, kích thước từng thành phần không lớn hơn 80mm và nhỏ hơn 8mm. Tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu kích thước 80mm x 80mm. Đối với mẫu nhãn hiệu là hình in 3D cần phải đi kèm hình chụp hoặc hình vẽ phối cảnh. Nhãn hiệu có yêu cầu bảo hộ màu sắc thì phải trình bày theo đúng màu sắc yêu cầu bảo hộ.
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí đối với trường hợp nộp lệ phí quá dịch vụ bưu điện hoặc website của Cục sở hữu trí tuệ

Bước 5: Thẩm định hình thức và nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu 

Theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thời gian thẩm định hình thức đơn kéo dài từ 01 đến 02 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Sau đó thời gian công bố đơn trên Công báo của Cục sở hữu trí tuệ trong khoảng 02 tháng sau khi thẩm định xong.

Đơn đăng ký bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp:

  • Đơn không đáp ứng được các yêu cầu về hình thức
  • Đối tượng được nêu trong Đơn không được bảo hộ
  • Người nộp đơn không có quyền đăng ký
  • Đơn được nộp sai quy định về cách thức nộp đơn
  • Người nộp đơn không nộp phí

Trong trường hợp đơn đăng ký thẩm định nhãn hiệu không hợp lệ, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ thực hiện các thủ tục sau đây:

  • Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn, nêu rõ lý do và ấn định thời hạn nộp đơn sửa chữa hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối
  • Thông báo từ chối chấp nhận đơn trong trường hợp người nộp đơn không sửa chữa các vấn đề được nêu ra trong dự định từ chối, đã có sửa chữa nhưng không đạt yêu cầu hoặc không có luận điểm xác đáng trong việc phản đối dự định từ chối

Đối với đơn đăng ký hợp lệ hoặc đã sửa đổi hợp lệ, cục sở hữu trí tuệ Việt Nam ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Thời gian thẩm định nội dung của nhãn hiệu sẽ kéo dài từ 09 đến 12 tháng. Lưu ý rằng, trong thời gian thẩm định nội dung này, bất kỳ đơn vị thứ ba nào cũng có quyền phản đối hoặc đề xuất không cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu. Ý kiến này cần phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu, hoặc trích dẫn các nguồn thông tin xác thực để chứng minh.

Như đã chia sẻ ở phần trên của bài viết, để hoàn tất đăng ký nhãn hiện được bảo hộ. Một tổ chức hoặc cá nhân có thể mất từ 01 đến 02 năm. Thậm chí có trường hợp kéo dài đến 03 năm. Chính vì lý do đó, việc triển khai bảo hộ nhãn hiệu càng sớm, chủ đầu tư F&B càng bỏ lỡ ít cơ hội phát triển mô hình F&B của mình.

Hãy đặt giả thiết, một mô hình F&B thành công và bắt đầu có đối tác liên hệ nhượng quyền. Nhưng phải đến lúc này, chủ đầu tư mới bắt tay vào công việc đăng ký nhãn hiệu. Như vậy chủ đầu tư sẽ phải chờ thêm từ 01 đến 02 năm để có thể chính thức hoàn tất các thủ tục cho phép nhượng quyền và phát triển mô hình F&B của mình.

Bước 6: Thông báo dự định cấp/từ chối văn bằng

Ở bước này, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ gửi thông báo cho tổ chức hoặc cá nhân quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo vệ nhãn hiệu. Trong trường hợp từ chối cấp, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ ghi rõ lý do từ chối cấp.

Bước 7: Nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Khi có quyết định cấp văn bằng bảo vệ nhãn hiệu. Chủ mô hình F&B cần nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ. Trong bước cuối cùng, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ ban hành quyết định cấp văn bằng và ghi trận trên Sổ đăng ký Quốc gia về sở hữu công nghiệp. 

Tham khảo lệ phí cấp bằng:

  • Lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000 đồng cho 01 nhãn hiệu, 01 nhóm hàng hóa dịch vụ.
  • Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng;
  • Phí công bố: 120.000 đồng;
  • Nếu đơn đăng ký có nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thì khi nộp lệ phí cấp bằng sẽ tăng thêm là: 100.000 đồng/1 nhóm.

Kết thúc bước 7, mô hình F&B hoàn tất quá trình đăng ký nhãn hiệu.

VI. Tạm kết

Thị trường kinh doanh nhà hàng, quán cafe, quán ăn và những dịch vụ F&B liên quan là một trong những thị trường tiềm năng, nên sự cạnh tranh sẽ rất lớn. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là hành lang pháp lý tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu thương hiệu.

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về lợi ích, các bước và những lưu ý để đăng ký nhãn hiệu. Chúc bạn kinh doanh thành công!

Có thể bạn quan tâm:

Phần mềm quản lý nhà hàng MISA CukCuk

Chia sẻ bài viết hữu ích này
Tin liên quan
Nhượng quyền xe cafe pha máy là gì? Tất tần…
31/01/2024
Chi phí để nhượng quyền cafe ông Bầu là bao…
15/01/2024
Tất tần tật về thương hiệu trà sữa nhượng quyền…
23/01/2024
Nhượng quyền trà sữa Tiên Hưởng – Quy trình ra…
16/01/2024
Review chi tiết về quy trình, chi phí nhượng quyền…
16/01/2024